Vì sao trẻ ăn nhiều mà không tăng cân?

Có những bé ăn ít nhưng vẫn béo, ngược lại cũng có không ít trẻ ăn nhiều mà không tăng cân. Cha mẹ cần biết được nguyên nhân chính xác khiến con không ăn tăng cân để có cách khắc phục hiệu quả.

Trẻ ăn tốt nhưng vẫn chậm lớn có thể do các nguyên nhân sau:

1. Nhiều nhưng không đủ

Trẻ 6-24 tháng tuổi, kích thước dạ dày của vẫn còn nhỏ, chưa thể tiêu hóa lượng lớn trong mỗi bữa nên cần thiết kế số bữa ăn và số lượng mỗi bữa tăng dần theo tháng tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày của trẻ và đáp ứng nhu cầu.

Ví dụ: trẻ 6-8 tháng tuổi nên ăn bổ sung 2 bữa/ngày, mỗi bữa 100 – 150ml; trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi: 3 bữa/ngày, mỗi bữa 200ml; trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi: 3 bữa/ngày, mỗi bữa 250ml. Bữa ăn chính thường là bột, cháo, súp nấu đặc và đa dạng thực phẩm đủ 4 nhóm thức ăn. Nhu cầu về sữa cũng thay đổi tuỳ độ tuổi và lượng ăn được.

Mẹ cho rằng con ăn nhiều, nhưng thực tế chưa đủ về lượng cần thiết trong từng bữa ăn, hoặc ăn không đủ số bữa trong một ngày.

2. Nhiều lượng nhưng ít chất, đơn điệu

Theo khuyến nghị, chúng ta nên ăn 15-20 loại thực phẩm khác nhau mỗi ngày để đủ chất dinh dưỡng. Hầu hết ba mẹ cho bé ăn theo sở thích, sự ngon miệng mà chưa chú ý đến số lượng thực phẩm, tính đa dạng của thực phẩm để đảm bảo đủ dưỡng chất.

Ngay cả khi ăn nhiều về số lượng nhưng không đảm bảo về chất lượng, bé vẫn có thể thiếu năng lượng và dưỡng chất. Phổ biến nhất là bữa ăn bổ sung thường thiếu dầu mỡ làm năng lượng thiếu hụt. Không chỉ đảm bảo về năng lượng, chất béo còn giúp hấp thu các loại vitamin hòa tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K). Thiếu chất béo, trẻ sẽ bị thiếu các vitamin này dẫn đến chậm lớn còi cọc.

3. Nhiều nhưng dư thừa

Đưa vào cơ thể trẻ số lượng thức ăn vượt quá khả năng tiêu hóa của bé. Trẻ sáu tháng tuổi mới bắt đầu ăn dặm nếu cho ăn vượt mức về số lượng bữa ăn (2 cữ) và lượng ăn (100ml), bé sẽ không có đủ men tiêu hóa hết. Phần thức ăn này sẽ không thể hấp thụ hết vào cơ thể khiến bé no hoặc gây tiêu chảy làm bé chướng bụng, khó tiêu nên không chịu uống sữa, rối loạn tiêu hóa và sụt cân.

4. Nhiều nhưng không phù hợp

Ở mỗi cơ thể trẻ, khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn khác nhau nên có thể trẻ ăn nhiều so với trẻ đồng tuổi nhưng lại quá sức so với trẻ. Vì vậy, cần phải gia giảm giữa lượng ăn và lượng sữa để trẻ có sự tiêu hóa phù hợp và trẻ được phát triển tốt nhất.

Một số trẻ có bệnh lý ở đường ruột, bệnh gan mật, bệnh di truyền, bệnh dị ứng, bất dung nạp thức ăn… làm hạn chế khả năng tiêu hoá, hấp thu thức ăn.

Trẻ mắc một số bệnh về nội tiết như: suy giáp trạng, lùn tuyến yên…cũng là những nguyên nhân chậm lớn.

5. Nhiều chất đạm không cần thiết

Nhiều bà mẹ quan niệm cho con ăn nhiều chất bổ để mau lớn, chất bổ ở đây là các thực phẩm giàu chất đạm như: thịt, cá, tôm, trứng, sữa… Cho con ăn quá nhiều chất đạm làm bé khó tiêu, giảm ăn, giảm bú. Ăn nhiều chất đạm còn gây táo bón làm trẻ cũng không hấp thụ được thức ăn, gây tăng gánh nặng cho thận của bé, hơn nữa chất đạm không phải là nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ, muốn tăng cân trẻ phải ăn đủ chất bột đường, chất béo, chất đạm chỉ cung cấp 13-20% năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày tuỳ thuộc độ tuổi.

6. Bé quá hiếu động

Một số trường hợp trẻ có chuyển hóa cơ bản cao, tiêu hao nhiều năng lượng nên ăn nhiều vẫn gầy. Những bé quá hiếu động chạy nhảy nhiều cũng tiêu hao năng lượng nhiều nên ăn nhiều vẫn tăng cân chậm.

7. Bé bị nhiễm giun, sán

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ ăn nhiều nhưng chậm lớn. Vì bé đã bị các ký sinh trùng đường ruột này “tranh” sử dụng dưỡng chất từ thức ăn. Các mẹ cần tẩy giun định kỳ cho con mỗi 6 tháng/lần từ sau 2 tuổi.

8. Bé bị hấp thu kém, hệ tiêu hóa không tốt

Tình trạng này xảy ra khi hệ tiêu hóa của trẻ thiếu đi một vài loại men tiêu hóa hoặc khuẩn tiêu hóa do bẩm sinh hoặc do sử dụng các thuốc kháng sinh. Điều này khiến cho chỉ một lượng nhỏ thức ăn được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng và năng lượng nuôi cơ thể.

9. Bé kém hấp thu dinh dưỡng phải làm sao?

Dưới đây là những giải pháp khắc phục cho trẻ ăn nhiều nhưng vẫn gầy

  • Chế độ dinh dưỡng đúng cách: Trong bữa ăn cần cân bằng các nhóm chất đạm, đường, béo và rau củ. Chú ý đến việc đa dạng các loại thực phẩm và tăng lượng dầu mỡ trong bữa ăn. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.
  • Hạn chế ăn vặt: Không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa ăn dẫn đến hiện tượng ngang dạ.
  • Bổ sung dinh dưỡng từ sữa mỗi ngày: Sữa là một trong những nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu nhất cho bé. Nên sử dụng thêm các loại sữa giúp cho bé tăng cân tốt để tăng nguồn dưỡng chất cho bé mỗi ngày. Các bà mẹ cũng nên chú ý cho bé sử dụng đủ cả về lượng lẫn về chất. Nhu cầu về sữa cho bé có thể thay đổi theo từng độ tuổi.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng: Ngoài việc có chế độ ăn uống hợp lý và quan tâm đến việc sử dụng loại sữa nào cho bé tăng cân các bà mẹ cũng có thể bổ sung thêm men vi sinh từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho bé. Đồng thời cũng nên cho bé tích cực vận động vì điều này rất tốt cho cơ thể và hệ tiêu hóa của bé

Ngoài các nguyên nhân trên, nhiều trẻ ăn nhiều nhưng vẫn không lớn còn phụ thuộc vào yếu tố khác như: Yếu tố di truyền, cân nặng lúc sinh của trẻ, những bé đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ mắc các bệnh lý về chuyển hoá, nội tiết hoặc có mức chuyển hóa cơ bản cao, tiêu hao nhiều năng lượng nên ăn nhiều vẫn gầy.

Bài viết cùng chủ đề: