Thảo dược giúp thanh nhiệt giải độc mùa hè

Nắng nóng đang kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, với nền nhiệt độ cao khiến nhiều người thực sự cảm thấy “nóng” trong người. Có những loại trà trong dân gian rất dễ kiếm, giúp thanh nhiệt cơ thể rất hữu hiệu.

Cây sài đất

Sài đất có thể bắt gặp nhiều ở ven những lề đường, khu công nghiệp, nhưng ít ai ngờ rằng đây lại là một loại thảo dược giải độc cực tốt, chữa được nhiều bệnh vào mùa hè. Vào năm 1956, T.R.Govindachari, K.Nagarajan đã nghiên cứu và lấy ra được một chất lacton còn gọi là Wedelolacton C16H1O7 có tỉ lệ 0.05% theo đó cấu trúc của wedelolacton vừa là một cumarin lại vừa là một flavonoit. Bộ môn dược liệu của trường ĐH Dược Hà Nội đã nghiên cứu trong sài đất chứa tinh dầu và rất nhiều muối vô cơ.

Một số bài thuốc của sài đất có tác dụng thanh nhiệt giải độc:

  • Sài đất có thể rửa sạch, ăn sống hàng ngày, mỗi ngày ăn từ 100-200g, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, thải trừ độc cho gan, giảm mụn nhọt.
  • Có thể dùng trực tiếp lá sài đất tươi đã rửa sạch sắc với nước có thể thêm ít đường cho dễ uống, chia 2 lần trong ngày, hoặc có thể giã nhỏ sài đất rồi hòa với 200ml nước lọc, thêm chút muối cho dễ uống.
  • Đối với bài thuốc chữa các bệnh nhiệt miệng, viêm răng: lấy sài đất 16g, thạch môn 12g, thục địa 16g, rễ cỏ xước 10g, thạch cao 16g. Sắc ngày 01 thang uống chia 2 lần. Bài thuốc này trị miệng hôi, miệng lưỡi nhiệt, chân răng sưng mủ…

Ngoài ra , nấu nước lá sài đất để tắm trị rôm sảy cho trẻ, mụn nhọt, ngứa ngáy, viêm da rất tốt. Trường hợp bị sưng đau nhiễm trùng, mun nhọt, chốc đầu… có thể dùng sài đất tươi hoặc khô.

Kim ngân hoa 

Kim ngân hoa là nụ hoa của cây nhẫn đông (Lonicera japonica Thunb.), thuộc họ cơm cháy (Caprifoliaceae). Về thành phần hoạt chất, kim ngân hoa có các flavonoid: luteolin, lonicerin; tannoid và chất sáp… Tác dụng kháng virus, vi khuẩn, chống viêm hạ sốt, điều hoà chức năng miễn dịch, giảm mỡ máu, làm tăng cường nhu động ruột, tăng tiết dịch vị và dịch mật.

Theo Đông y, kim ngân hoa vị ngọt, tính lạnh; vào phế, vị, tâm, tỳ, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ lỵ. Trị các bệnh cấp tính gây sốt cao, viêm khí phế quản đau rát họng, ho, miệng khô họng khát, hội chứng kiết lỵ, mụn nhọt lở ngứa, phát ban. Kim ngân được dùng  trị ung nhọt do nhiệt độc: kim ngân hoa 20g, cam thảo 20g. Sắc uống. Dùng một lượng kim ngân hoa tươi tùy ý, giã nát, chế với rượu, đắp xung quanh chỗ đau.

Diệp hạ châu

Diệp hạ châu hay còn được biết đến với tên cây chó đẻ răng cưa nổi tiếng với công dụng giải độc gan, chữa bệnh gan, lợi tiểu, chữa sỏi thận, tiểu đường. Diệp hạ châu có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới ở Nam Mỹ, hiện nay phân bố rải rác khắp nơi trên thế giới. Riêng tại nước ta chi hạ diệp châu có tới 40 loại, mọc nhiều ở các tỉnh đồng bằng, ven biển, hải đảo và cả các tỉnh trung du, miền núi. Hiện nay, nhờ những tác dụng tuyệt vời của diệp hạ châu dược liệu mà nhiều nơi đã quy hoạch nuôi trồng theo quy mô lớn để sử dụng.

Để sử dụng, người dân có thể dùng cây tươi hoặc dược liệu khô:

  • Sử dụng tươi: Thu hái dược liệu, rửa sạch nhiều lần và sử dụng ngay.
  • Sử dụng khô: Sau khi rửa sạch sẽ cây thuốc, thái thành đoạn rồi phơi nắng, đến khi gần khô thì chuyển vào phơi trong bóng râm cho đến khi khô hoàn toàn. Ngoài ra nhiều nơi còn đem sấy khô hoặc sao vàng hạ thổ dược liệu.

Ngoài ra, nhiều cơ sở còn sử dụng dược liệu để chế biến thành các sản phẩm như trà khô, trà túi lọc, cao lỏng, cao đặc,…Đặc biệt, nhờ những tác dụng nổi trội được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều công ty dược đã tiến hành chiết xuất diệp hạ châu trong một số loại thuốc Tây.

Rau má

Rau má (Gotu Kola: tiếng Anh) có tên gọi khác là tích tuyết thảo, lôi công thảo hay liên tiền thảo – một loại rau dân dã quen thuộc với đa số người Việt Nam. Theo nghiên cứu khoa học, trong rau má có chứa các hợp chất như beta carotene, sterol, saponin, alkaloid, flavonol, saccharide, canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm, các loại vitamins B1, B2, B3, C, K…

Các bài thuốc từ rau má

  • Rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa cùng nước dừa xiêm uống giải khát, thanh nhiệt.
  • Rau má giã lấy nước uống và xoa, đắp ngoài, tác dụng giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt. Sắc một nắm rau má uống chữa bụng xốn xáo, nóng ruột, đau bụng dưới, chán ăn, cam nhiệt, độc sưng tấy, mụn nhọt lở ngứa.
  • Rau má (một nắm), rau sam (một nắm), sắn dây 30 g giã cùng nhau, cho thêm nước chín, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Bài thuốc này chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, đái đỏ, da nóng, kém ăn, nổi mẩn ngứa, phụ nữ có thai nóng ruột, đau bụng vặt, đại tiện không thông.
  • Rau má 250 g cùng rau muống 250 g giã nát, hòa nước sôi, chắt lấy nước uống tác dụng giải ngộ độc (lá ngón, nấm độc, thạch tín…).

Bài viết cùng chủ đề: