Ho được coi là một biểu hiện bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp mà thông qua việc ho, nhiều virus và vi khuẩn có thể truyền nhiễm từ vật chủ này sang vật chủ khác dẫn đến nguồn cơn của những căn bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, xơ nang, xẹp phổi, phù phổi,…
1. Có mấy dạng ho thường gặp?
Không phải lúc nào ho cũng là biểu hiện của những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu biết hơn về các đặc tính, các nguyên nhân dẫn đến ho để có thể ngăn ngừa và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Nguyên nhân gây ho chủ yếu là do nhiễm trùng. Các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể dẫn đến viêm long đường hô hấp. Nếu tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp phòng ngừa sẽ dẫn đến những tiến triển nặng nề hơn. Có thể liệt kê một loạt các nguyên nhân gây ra ho như sau:
-
Ho do virus: Như đã đề cập, ho do virus có thể là vì người bệnh bị nhiễm cảm lạnh, cảm cúm khi thời tiết giao mùa, hoặc môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi cơ thể hình thành phản ứng ho sẽ giúp loại bớt virus xâm nhập ra khỏi hệ hô hấp;
-
Môi trường ô nhiễm: khói bụi, ô nhiễm với vi khuẩn luôn bao quanh, người bệnh rất dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp và sinh ra các phản ứng ho để đào thải các hạt bụi ra ngoài môi trường;
-
Sử dụng chất kích thích: thuốc lá, rượu bia hay đồ uống có cồn, nước hoa cũng là một nguyên nhân dị ứng, kích thích gây nên phản xạ ho;
-
Hen suyễn, dị ứng: Người bị hen suyễn rất khó để chữa dứt điểm, đây là bệnh mạn tính và bệnh nhân thường có biểu hiện ho, thở rít;
-
Một số tác nhân khác: tác dụng phụ của thuốc, các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, ung thư,…
Những dạng ho thường gặp:
Ho khan:
Khi bạn ho mà không kéo theo chất nhầy hoặc đờm chính là biểu hiện của ho khan. Nguyên nhân dẫn đến ho khan chủ yếu là do tình trạng kích ứng đường thở do các tác nhân như virus, dị ứng, khói bụi, khói thuốc, trào ngược dạ dày thực quản,… Ho khan xuất hiện nhiều ở mọi lứa tuổi và thời gian kéo dài tùy thuộc vào tác nhân gây ho.
Ho có đờm:
Biểu hiện của Ho có đờm là khi ho bật ra dịch của đường hô hấp, có thể dịch trong hoặc dịch đặc, màu trắng, hoặc vàng, xanh, nâu,… Ho khạc đờm có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu gặp ở bệnh lý đường hô hấp dưới: Viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, lao phổi,…
Ho có đờm thường đi kèm các triệu chứng khác như sổ mũi, mệt mỏi,..
Tình trạng ho có đờm có thể đến từ từ hoặc nhanh chóng và thường đi kèm các triệu chứng khác như: Sổ mũi, Hội chứng chảy nước mũi sau, Mệt mỏi,… Ho có đờm bao gồm 2 mức độ là: Ho cấp tính (thường kéo dài dưới 3 tuần) và ho mạn tính (có thể kéo dài hơn 8 tuần ở người lớn và hơn 4 tuần ở trẻ em).
Ho ra máu:
Ho ra máu là biểu hiện cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi hoặc ung thư phổi. Ngoài ra còn gặp một số nguyên nhân gây ho ra máu như: Chấn thương ngực, Tổn thương động mạch bên trong phổi, giãn phế quản, Ung thư phổi, thuyên tắc mạch phổi, Bệnh lao,… Thông thường, 90% các trường hợp ho ra máu là do sự phát triển của bệnh lao (nếu kèm theo sốt nhẹ, sụt cân).
2. Biện pháp phòng ngừa và cách điều trị các bệnh ho
Biện pháp phòng ngừa các căn bệnh về ho:
-
Tăng cường tập thể dục, thể thao và các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, tăng sức đề kháng cơ thể với bệnh tật.
-
Khi thời tiết thay đổi đột ngột thì quần áo cũng nên thay đổi kịp thời để tránh trường hợp cơ thể bị tác động hại từ thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
-
Sử dụng khẩu trang, kính chắn bụi bẩn khi ở nơi công cộng, hạn chế đến những nơi đông người để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ lây bệnh.
Luôn đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, đông người để phòng ngừa lây nhiễm
-
Giữ không khí trong lành cho ngôi nhà của bạn bằng cách mở cửa sổ hoặc sử dụng các thiết bị lọc không khí. Ngoài ra, giấm cũng là một chất hữu ích để khử trùng trong trường hợp gia đình có người nhiễm lạnh.
-
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh cần bổ sung thêm các đồ ăn lành mạnh, uống nhiều nước và Vitamin C để thanh lọc cơ thể, củng cố hệ miễn dịch.
-
Trong giai đoạn dịch phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho cả trẻ em và người lớn.
Cách điều trị các bệnh về ho:
Sau khi khỏi bệnh cảm cúm, tình trạng ho khan có thể vẫn tiếp diễn sau đó một thời gian và đó là điều bình thường báo hiệu hệ hô hấp đang dần hồi phục trở lại. Nếu ho ảnh hưởng công việc và sinh hoạt hàng ngày thì bạn có thể ngậm thêm kẹo ho, súc miệng bằng nước muối để vệ sinh họng sạch sẽ. Đặc biệt vì vốn dĩ ho cũng ảnh hưởng tới mọi người xung quanh nên bạn cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mọi người, nên đeo khẩu trang để ngăn nước bọt hoặc dịch hô hấp văng ra gây lây lan mầm bệnh.
Không phải lúc nào ho cũng nguy hiểm và cần phải đến bác sĩ. Tuy nhiên, khi có các biểu hiện nghiêm trọng từ việc ho làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì phải điều trị sớm, tránh dẫn đến hậu quả khó lường. Mức độ nghiêm trọng từ việc ho cũng sẽ khác nhau dựa trên độ tuổi.
Đối với trẻ em khi có các triệu chứng như: Ho dai dẳng, sốt, khó thở, mất nước, không thể nuốt thức ăn, cơ thể mệt mỏi, nhợt nhạt, tím tái,… Hay đối với người trưởng thành khi có các triệu chứng như: Ho kéo dài trong nhiều tuần nhưng không có biểu hiện thuyên giảm, ho ra máu, sốt cao hơn 38ºC, ho dữ dội không ngừng gây khó thở, hay bị ợ nóng,… Tất cả các trường hợp trên đều rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời vì vậy việc đến gặp bác sĩ là vô cùng cần thiết.
Cần đưa trẻ em tới khám bác sĩ chuyên khoa nếu có những triệu chứng ho dai dẳng