Nám da cùng những thông tin cần biết

Nhiều bạn cho rằng, chỉ cần chống nắng thật tốt thì nám da không còn là vấn đề. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù bạn có ở nhà cả ngày, không tiếp xúc với tia UV và dưỡng da thật tốt thì những vết nám da vẫn có thể xuất hiện một cách đường đột, không một lời báo trước. Vậy nám da là gì? Cách hình thành nám da trên cơ thể?

Nám da là gì?

Nám da là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều chị em cảm thấy e ngại, mất tự tin trước đám đông. Đây là thực trạng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20-50 tuổi. Trong đó nám da trong và sau sinh tương đối phổ biến ở nước ta.

Nám da hiểu một cách đơn giản là tình trạng da xuất hiện những đám màu nâu hoặc màu xám nâu trên da nhất là những vị trí như mặt, trán, cằm, sống mũi, hai bên gò má… Ngoài ra nám còn xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể – những vùng thường xuyên tiếp xúc với tia UV. Kích thước của những đám nám da khác nhau tùy theo từng cơ địa xuất hiện. Nó có thể là mảng lớn hoặc những chấm nhỏ li ti. Nám da cũng có thể lan rộng ra xung quanh nếu bạn không biết cách bảo vệ và chăm sóc da hợp lý.

Phân loại nám da

Nám da từng mảng: Đây là loại có “chân nám” nông (nằm ở lớp biểu bì – lớp trên cùng của da) và dễ điều trị dứt điểm nhất. Nám xuất hiện theo từng mảng màu khá nhạt. Nguyên nhân là do các nhân tố khách quan từ môi trường nắng nóng, ô nhiễm. Hay việc dùng các loại mỹ phẩm kém chất lượng, uống thuốc ngừa thai…

Nám da sâu (nám đốm): Loại này có màu sẫm hơn và xuất hiện theo từng đốm nhỏ. Nếu soi trên máy có thể thấy ngay chân nám nằm sâu lưới lớp hạ bì của da. Nguyên nhân có thể do di truyền, nội tiết tố, hoomon thay đổi đột ngột vì quá trình làm mẹ… Đây là loại nám “lì lợm” và khó điều trị nhất với thời gian kéo dài, thông thường chỉ có thể dứt điểm 80%.

Nám da hỗn hợp: Nếu ai xuất hiện cả 2 loại nám nêu trên thì sẽ được xếp vào loại nám hỗn hợp. Loại này phức tạp ở chỗ phải điều trị bằng 2 cách cho những vùng nám khác nhau trên cùng một khuôn mặt.

Đối tượng nguy cơ bệnh nám da

Phụ nữ: Nữ giới có nguy cơ nám da cao hơn nam giới rất nhiều lần, có đến 90% bệnh nhân nám da ở Hoa Kỳ là nữ giới.

Người da màu: ở châu Á, Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc Phi, người Mỹ gốc Phi,…

Tiền sử gia đình có người bị nám da.

Sử dụng hormon Estrogen và Progesterone ngoại sinh.

Bệnh lý tuyến giáp.

Stress.

Phân biệt nám da và tàn nhang?

Nám da

Nám da là các đốm sẫm màu với nhiều mức độ đậm nhạt. Thường xuất hiện đối xứng 2 bên má, môi trên, cằm, trán,… Nám da đặc trưng bởi màu sắc sẫm, nâu hoặc thâm vàng, có nhiều kích thước nhưng thường lớn hơn tàn nhang.

Tàn nhang

Tàn nhang cũng là tình trạng tăng sắc tố, tuy nhiên không giống như nám da có màu sắc khá đặc trưng, tàn nhang có màu sắc đa dạng hơn với màu nâu sẫm, nâu nhạt, vàng, đỏ, xám, đen. Đậm độ tàn nhang thay đổi theo cường độ ánh sáng mặt trời, vậy nên mùa hè thì tàn nhang đậm hơn mùa đông. Kích thước của tàn nhang thường nhỏ hơn so với nám da, các đốm có thể nhỏ như đầu tăm cho đến hạt vừng.

Cách điều trị nám da

Việc điều trị nám da thường không dễ dàng. Bệnh nhân thường phải mất đến 6 tháng – 1 năm cho một liệu trình điều trị. Bác sĩ thường phối hợp nhiều biện pháp để đạt được hiệu quả cao trong điều trị nám da, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Ngoài thuốc bôi tại chỗ do bác sĩ chỉ định, muốn chữa nám da cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong điều trị nám da. Các thức ăn giàu glutathione như cà chua có thể ngăn ngừa quá trình hình thành nám da. Các thực phẩm giàu selen như măng, nấm, trứng, hải sản,… giúp phòng ngừa nám da tái phát. Việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, E cũng rất cần thiết để có được một làn da khỏe mạnh, hạn chế sự hình thành nám da. Các thức ăn gây kích thích như ớt, tiêu, bia rượu,… cũng cần được hạn chế.

Chống nắng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị nám da hiệu quả, đặc biệt từ 10 đến 15h hàng ngày là lúc ánh nắng có tia UV rất cao gây hại cho da, ngăn cản hiệu quả điều trị nám da. Việc bôi kem chống nắng là điều hết sức cần thiết để bảo vệ làn da tránh khỏi các tia bức xạ mặt trời nguy hiểm. Bên cạnh đó, các biện pháp tránh nắng vật lý như áo quần chống nắng, đội mũ, mang khẩu trang, găng vớ,… cũng cần được thực hiện mới có thể đem lại hiệu quả điều trị.

Bài viết cùng chủ đề: