Dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của răng trẻ em thế nào

Thông thường, sự phát triển răng ở trẻ em phát triển bình thường từ việc mọc răng sữa, thay răng hay thay răng vĩnh viễn, trong quá trình phát triển đó, có rất nhiều yếu tố làm chậm sự mọc răng ở trẻ. Trẻ em cần ăn uống lành mạnh để giúp răng không bị sâu và các vấn đề về bệnh răng miệng khác. Dinh dưỡng tốt bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm và các lựa chọn lành mạnh giúp trẻ có sức khỏe răng miệng tốt.

Để có chế độ phù hợp về dinh dưỡng cho răng khỏe mạnh ở trẻ em, các phụ huynh nên sử dụng một số loại thực phẩm tốt cho răng, có tác dụng làm tăng độ chắc khỏe của răng, bảo vệ răng khỏi bị sâu và đồng thời làm sạch răng một cách tự nhiên. Các loại thực phẩm khác có xu hướng bám lại trên răng, tạo thức ăn cho vi khuẩn tự nhiên có trong miệng tấn công răng và gây sâu răng. Thực phẩm tốt cho răng miệng bao gồm:

Thực phẩm giàu Canxi:

Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng (99%). Canxi được cơ thể hấp thụ rất tốt từ sữa.

Thức phẩm giàu Canxi: sữa, phômai, cua ốc, tôm, tép, cá, cá nhỏ nguyên xương, các sản phẩm từ sữa, rau màu xanh đậm, sản phẩm từ đậu (đậu hũ) …

Để canxi được hấp thu tốt hơn, hằng ngày nên cho trẻ chơi, sinh hoạt, nô đùa trong nắng liên tục ít nhất  30 phút mỗi ngày

Đảm bảo nhu cầu Vitamin D:

Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc

Muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể phải có đủ vitamin D, nếu không, có khi cho dù trẻ ăn uống đủ canxi nhưng vẫn bị thiếu canxi dẫn đến còi xương. Vì vậy, ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D”.

Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể Vitamin D. Tuy nhiên, cũng có thể kể đến dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú …), trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D.

Nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể là do cơ thể tổng hợp vitamin D từ các tiền vitamin D ở dưới da, dưới tác động quang hóa của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời.

Như vậy khi trẻ được nuôi dưỡng không đầy đủ hoặc không đúng, cũng như thiếu ánh sáng mặt trời do nhà ở chật chội, tối tăm, do mặc quần áo quá nhiều hoặc trẻ bị “nhốt” trong nhà suốt ngày … trẻ sẽ dễ bị còi xương.

Thực phẩm giàu Phospho: là chất khoáng có nhiều thứ 2 trong cơ thể sau canxi. Có chức năng hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc và duy trì các chức phận khác của cơ thể. Phospho trong thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn so với thức ăn thực vật. Cho đến nay, chưa phát hiện tình trạng thiếu phospho do nguồn thực phẩm động vật và thực vật chưá phospho có mặt khắp mọi nơi.

Thực phẩm giàu Magne:

Cùng với canxi, góp phần trong quá trình khoáng hoá tạo xương, răng

Có nhiều trong tự nhiên nhất là các hải sản cá biển và cá nước ngọt, thịt các loại, rau xanh, trong các loại hạt toàn phần, các loại đậu đỗ

Thực phẩm giàu Vitamin C: Vitamin C tham dự vào quá trình tổng hợp chất collagen (phân tử cơ bản của các mô liên kết). Việc thiếu hụt trầm trọng vitamin C sẽ dẫn đến bệnh scorbut, tế bào ontoplast bị thoái hóa, tủy răng, nướu răng trở nên xốp làm nướu răng bị viêm loét, dễ chảy máu chân răng và dẫn đến rụng răng. Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng cường hệ miễn nhiễm, chống nhiễm khuẩn chân răng. Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C.

Rau xanh, quả tươi như cam, chanh,quýt, bưởi, nước ép cà chua, bông cải xanh, xoài … là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều vitamin C.

Thực phẩm giàu Vitamin A:

Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn

– Thực phẩm giàu Vitamin A chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc động vật: gan, thịt, trứng, chế phẩm từ sữa (sữa, kem, bơ …)

– Thức ăn nguồn gốc thực vật có thể kể đến những loại củ quả màu vàng/đỏ đậm (cà chua, carrot, đu đủ …), rau xanh đậm (rau ngót, rau muống, rau dền …), các loại dầu thực vật được bổ sung vitamin A

Ăn nhiều rau quả:

Rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ, mía cây … cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất (nâng cao sức đề kháng), bổ sung chất xơ giúp trẻ nhuận tràng,chống táo bón. Chất xơ còn có tác dụng chà răng, đồng thời thoa nắn cho nướu răng thêm mạnh và bền chắc.

Nhu cầu xơ khoảng 18 – 20g / ngày (nên khuyến khích trẻ ngày ăn 2 lần các loại quả, nên ăn ≥ 3 lần các loại rau những loại rau quả quen thuộc trẻ thích ăn)

Thức ăn và đồ uống cần hạn chế bao gồm:

Đồ uống có đường: Nên hạn chế các loại nước soda, nước trái cây và các đồ uống có đường khác, vì đường có thể đọng lại trên răng và thúc đẩy hình thành lỗ sâu răng. Sữa thông thường và sữa sô-cô-la cũng có chứa đường, vì vậy, nên để trẻ uống vừa phải. Các phụ huynh nên giúp trẻ hình thành thói quen tốt về răng miệng bằng cách uống nước thường xuyên.

Đồ ăn nhẹ có nhiều đường, tinh bột và carbohydrate: Khi khoai tây chiên, bánh quy và đồ ăn nhẹ ngọt như bánh quy, bánh ngọt và kẹo vẫn còn trên răng trong thời gian dài, quá trình sâu răng có thể bắt đầu. Ăn vặt thường xuyên có hại cho trẻ hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng thời gian cho phép giữa các lần ăn của trẻ càng nhiều sẽ giúp nước bọt dễ dàng làm sạch răng hơn. Vậy nên, các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ đánh răng sau khi ăn vặt, nếu có thể.

Sử dụng thực phẩm dính hoặc dai: Kẹo như kẹo dẻo, caramel và kẹo mút có thể dính vào răng rất lâu sau khi chúng được tiêu thụ. Thực phẩm dai như thanh granola và nho khô, cũng khó bị nước bọt rửa trôi. Mật ong, mật đường và xi-rô khi sử dụng có thể bao phủ răng, cho phép đường nuôi vi khuẩn và thúc đẩy mảng bám phát triển. Các bậc phụ huynh nên lưu ý khi cho trẻ ăn đồ ngọt thì cố gắng kết hợp chúng sau bữa ăn khi nước bọt đã tăng lên.

Bài viết cùng chủ đề: