Táo bón là gì?
Táo bón được định nghĩa là số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần. Tiêu chí Rome định nghĩa chi tiết hơn về táo bón, người bệnh có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau đây: Đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần, khó khăn trong đại tiện, phân cứng, cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng, cảm giác đi không hết, phải dùng tay hỗ trợ trong lúc đại tiện (Ví dụ một số người bệnh phải dùng tay moi phân hay đè ép thành bụng trong lúc đại tiện).
Các nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng táo bón
Nhịn đi vệ sinh
Thông thường, mọi người sẽ đi vệ sinh bất kỳ lúc nào cảm thấy cần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do quá bận rộn với công việc, đang trong buổi họp căng thẳng hoặc đơn giản là không tìm thấy nhà vệ sinh, bạn có xu hướng nhịn cảm giác muốn đi vệ sinh lại và chờ đến khi nào thuận tiện hơn. Nhịn đi vệ sinh một vài lần không gây ảnh hưởng nhiều đến bạn. Tuy nhiên, nếu xảy ra thường xuyên, tình trạng này có thể dẫn đến táo bón hoặc làm trầm trọng hơn vấn đề của bạn.
Khi trực tràng đầy phân, một tín hiệu sẽ được truyền đến vỏ não để khiến bạn muốn đi vệ sinh. Nếu bạn không thể tống phân ra ngoài, ruột sẽ tiếp tục công việc tái hấp thu nước cho đến khi phân được thải hoàn toàn. Điều này khiến phân càng khô và cứng hơn, làm bạn khó khăn hơn khi tống xuất phân ra khỏi hậu môn.
Dư thừa canxi
Uống quá nhiều viên bổ sung canxi làm giảm nhu động ruột, dẫn đến phân trữ lại trong ruột lâu hơn và khiến nước trong phân được tái hấp thu nhiều hơn. Cuối cùng, phân trở nên khô cứng và khó tống ra ngoài. Vì vậy, một trong những nguyên nhân gây táo bón có thể đến từ tác hại của việc dư thừa canxi. Bạn thường không biết đến nguy cơ này cho đến khi gặp phải các triệu chứng của táo bón.
Bạn có thể bổ sung khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày từ các loại thực phẩm như phô mai, sữa, yogurt, cá mòi hay ngũ cốc. Tuy nhiên, nếu nhu cầu canxi tăng cao và cần phải uống viên canxi thì bạn nên sử dụng canxi citrate thay vì canxi cacbonat. Vì canxi cacbonat có nồng độ cao nên dễ ảnh hưởng đến nhu động ruột hơn.
Bất đồng vận cơ sàn chậu
Để việc tống phân được thuận lợi, các cơ vùng bụng thường co lại trong khi cơ vùng sàn chậu phải giãn ra. Tuy nhiên, những người bị bất đồng vận cơ sàn chậu (một chứng rối loạn chức năng sàn chậu) không thể hoàn thiện được động tác trên. Chứng rối loạn này sẽ khiến các cơ vùng bụng co không đủ mạnh hay cơ sàn chậu không thể giãn được. Cuối cùng, cơ vòng hậu môn vốn phải thư giãn để tống phân ra ngoài lại căng lên bất thường, dẫn đến phân không thể tống xuất hoàn toàn.
Hầu hết mọi người đều không ý thức được tình trạng đi vệ sinh bất thường này. Vì thế, nếu đã thử nhiều biện pháp điều trị táo bón mà không có hiệu quả, bác sĩ có thể nghĩ đến trường hợp bất đồng vận cơ sàn chậu. Để đánh giá chức năng của ruột, các bác sĩ có thể cho đo áp lực hậu môn trực tràng để giúp bạn xác định tình trạng bất thường trên.
Phụ thuộc thuốc nhuận tràng
Việc thỉnh thoảng sử dụng thuốc nhuận tràng để giúp đi vệ sinh thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều đến mức lệ thuộc vào loại thuốc này, bạn có thể vô tình khiến tình trạng của mình trở nên nghiêm trọng hơn.
Vì liều cao thuốc nhuận tràng sẽ làm giảm sự nhạy cảm của ruột, khiến ruột khó hoạt động bình thường nếu không có thuốc. Cuối cùng, bạn không thể đi vệ sinh bình thường được nữa.
Chế độ ăn nhiều béo, ít xơ
Ăn phô mai quá nhiều có thể khiến bạn không đi vệ sinh được trong vài ngày. Điều này được giải thích là do thành phần của phô mai chứa nhiều chất béo và không có chất xơ. Chất béo khiến nhu động ruột giảm, kèm theo việc ăn ít chất xơ, có thể là nguyên nhân gây táo bón.
Một trong những cách trị táo bón hiệu quả nhất là ăn nhiều chất xơ từ các loại rau củ quả quen thuộc như chuối tiêu, khoai lang luộc, bưởi, rau mùng tơi, rau đay… Chất xơ là thành phần rất quan trọng giúp phân dễ tống xuất ra ngoài vì các sợi xơ sẽ kéo nước vào ống tiêu hóa, tích tụ trong phân và giúp phân mềm hơn.
Đái tháo đường có thể là nguyên nhân gây táo bón
Một nghiên cứu ở Brazil năm 2014 cho biết có khoảng 1/3 bệnh nhân đái tháo đường bị táo bón. Như vậy, lượng đường cao trong máu có ảnh hưởng gì đến việc khó đi vệ sinh của bạn?
Những người bị đái tháo đường lâu năm sẽ bị tổn thương thần kinh, trong đó có hệ thần kinh ruột, khiến nhu động ruột giảm và cảm giác trực tràng kém nhạy, kết quả là bạn sẽ bị táo bón và không thể đi vệ sinh.