Gan được ví như nhà máy tổng hợp nên các chất cần thiết cho cơ thể: dự trữ đường, tổng hợp lipid, protein, các yếu tố đông máu… Tổn thương gan do bất kì nguyên nhân gì đều có thể dẫn đến tình trạng viêm rồi sau đó xơ hóa gan. Khi xơ gan, cơ thể sẽ suy kiệt vì thiếu dưỡng chất, rối loạn đông máu, cổ trướng, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản…lúc này các biện pháp điều trị thường ít kết quả. Một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan thường gặp hiện nay là gan nhiễm mỡ
Phân loại gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ do rượu
Đối với bệnh nhân nghiện rượu, Ethanol trong rượu gây tăng NADH tại tế bào gan, kích thích tổng hợp chất béo, gây tăng tổng hợp trygliceride tại gan. Nghiện rượu là nguyên nhân thường gặp nhất ở đa số bệnh nhân gan nhiễm mỡ nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến viêm và xơ gan rượu.
Gan nhiễm mỡ không do rượu
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ không do rượu thường do các rối loạn chuyển hóa:
Béo phì, thừa cân
Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể thường xuyên cung cấp lượng chất béo triglyceride vượt ngưỡng cơ thể có thể hấp thu thì sẽ có hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết, tạo thành nguy cơ gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, lượng calo quá cao cũng khiến cơ thể không chuyển hóa hết thành năng lượng để sử dụng và tích trữ dưới dạng triglyceride.
Tình trạng kháng insulin
Những người bị tiểu đường Type II là đối tượng rất dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ bởi sự rối loạn chuyển hóa về chất béo. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt Insulin, làm cho Glucose không thể đi vào các mô trong cơ thể dẫn đến thiếu năng lượng để duy trì hoạt động của các tế bào.
Lúc này, cơ thể buộc phải bù đắp năng lượng bằng cách tăng cường phân giải lipid ở các cơ thành acid béo, đồng thời carbohydrate trong gan cũng biến đổi thành acid béo tự do làm nồng độ acid béo cả trong máu và gan tăng cao. Trước sự gia tăng acid béo đột ngột như vậy, gan không kịp chuyển hóa và đào thải gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Rối loạn lipid máu
Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều là hệ quả của sự rối loạn chuyển hóa, thế nên 2 hiện tượng này thường sẽ xảy ra đồng thời với nhau. Giải thích một cách cụ thể hơn thì gan là nơi tiếp nhận và chuyển hóa lipid trong máu, nếu hàm lượng mỡ trong máu quá nhiều sẽ khiến gan bị quá tải và không kịp xử lý làm đọng lại mỡ dư trong tế bào gan.
Và với mỗi 2 phút, toàn bộ máu trong cơ thể lại di chuyển qua gan một lần, nên việc gan nhiễm mỡ do tăng mỡ máu là điều dễ hiểu. Đây là lý do giải thích vì sao tăng mỡ máu lại là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ.
Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng một số loại thuốc đặc trị các bệnh mạn tính như ung thư, rối loạn nhịp tim, rối loạn lưỡng cực, đau nửa đầu bao gồm: Methotrexate, Tamoxifen, Amiodarone và Axit Valproic có thể gây ra tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp Protein và chuyển hóa của Lipoprotein khiến gan bị nhiễm mỡ.
Ngoài nguyên nhân chính kể trên, những người có tiền sử gia đình gan nhiễm mỡ, bị hội chứng buồng trứng đa nang, đang mang thai hoặc tiền sử viêm như viêm gan C… cũng có nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Chính vì gan nhiễm mỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nên cần phải đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám để được bác sĩ xác định tại sao gan nhiễm mỡ và tư vấn cách chữa gan nhiễm mỡ phù hợp nhất.
Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm mỡ
Khi bị gan nhiễm mỡ, hầu như bệnh nhân sẽ không phát hiện ra mình bị bệnh, vì nó không có triệu chứng thực thể điển hình. Chỉ có thể tình cờ phát hiện ra sau khi vô tình đi khám, xét nghiệm máu.
Sau đây là một số dấu chứng cần lưu ý:
Nước tiểu vàng, sẫm màu, phân trắng
Một số trường hợp có thể do uống ít nước, đang dùng thuốc nên sẽ có hiện tượng nước tiểu sẫm màu. Nhưng khi nước tiểu sẫm màu, phân có màu trắng thì bạn nên đi khám. Có thể chức năng gan bạn đang có vấn đề.
Bụng to, gan to, đau bụng
Có thể sờ thấy gan ở dưới hạ sườn phải. Có thể lượng mỡ tích tụ trong gan cao, khiến gan tăng kích thước. Trường hợp bụng to lên, có thể bệnh đã tiến triển lên thể xơ gan. Khiến bụng to, tích tụ dịch, chèn ép các cơ quan khác, gây đau bụng.
Buồn nôn, nôn
Có thể là trạng thái chán ăn, mất cảm giác thèm ăn, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên. Triệu chứng này có thể là một số bệnh khác dẫn đến nhưng cũng có thể do việc bài tiết mật có vấn đề. Tiêu hóa thức ăn cũng không được ổn định như trước.
Vàng da
Có thể chức năng gan của bạn đã bị suy giảm, khiến việc thanh thải bilirubin có vấn đề, tích tụ lại trong máu. Gây lên hiện tượng vàng da bệnh lý.
Ngứa ngáy, mày đay, dị ứng, mệt mỏi
Chức năng gan suy giảm gây ảnh hưởng đến việc thải độc tố trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng mẩn ngứa mày đay. Đồng thời, việc này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn, do gan loại bỏ chất độc khỏi máu không tốt.