Một số cách trị đau nhức xương khớp tại nhà như nghỉ ngơi, liệu pháp lạnh, chườm ấm, xoa bóp, sử dụng thảo dược.. có thể giúp người bệnh thư giãn khớp xương và mô mềm, giảm cảm giác đau nhức. Ngoài ra những biện pháp này còn có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm tê bì, cứng khớp và tăng khả năng vận động cho người bệnh.
Danh sách 10 cách trị đau nhức xương khớp tại nhà
Đau nhức xương khớp là tình trạng thường gặp. Cơn đau có thể khởi phát sau một chấn thương, sử dụng khớp quá mức, làm việc nặng hoặc do bệnh lý xương khớp (viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương, thoát vị đĩa đệm…). Ngoài ra đau nhức xương xương khớp còn thường xảy ra ở những người lớn tuổi có cấu trúc xương khớp mất tính ổn định và do ảnh hưởng từ thời tiết.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau nhức xương khớp có thể kèm theo tình trạng cứng khớp, tê bì, khó vận động, viêm, sưng khớp… Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các cách trị đau nhức xương khớp tại nhà. Đối với những trường hợp nặng hơn, người bệnh nên dùng thêm thuốc hoặc áp dụng thêm các biện pháp điều trị chuyên sâu khác để tăng hiệu quả chữa trị.
Công dụng và hướng dẫn 10 cách trị đau nhức xương khớp tại nhà:
1. Liệu pháp lạnh
Để giảm đau nhức xương khớp tại nhà, người bệnh có thể áp dụng liệu pháp lạnh. Liệu pháp này có tác dụng giảm viêm, giảm đau nhức do viêm khớp, chấn thương. Đồng thời giảm lưu lượng máu về khu vực tổn thương. Từ đó phòng ngừa và giảm sưng mô hiệu quả.Ngoài ra việc áp dụng liệu pháp lạnh còn giúp người bệnh làm tê tại chỗ và giảm cảm giác nóng ran tại khu vực tổn thương.
Hướng dẫn thực hiện:
- Sử dụng túi đá lạnh chườm lên khu vực bị tổn thương
- Chườm trong 15 phút
- Thực hiện 3 lần/ ngày.
Lưu ý:
- Không nên áp trực tiếp đá lạnh nên vùng da bệnh vì điều này có thể gây bỏng lạnh.
2. Chườm ấm/ tắm nước ấm
Chườm ấm 4 lần/ ngày, mỗi lần 15 – 20 phút có thể giúp người bệnh giảm đau nhức xương khớp hiệu quả. Biện pháp này phù hợp với những người bị đau nhức do bệnh lý, thời tiết hoặc đau nhức do hệ xương khớp mất tính ổn định ở người lớn tuổi.
Chườm ấm có tác dụng kích thích lưu thông máu về khu vực tổn thương. Từ đó tăng khả năng chữa lành hư tổn, giảm đau và giảm cảm giác tê bì. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng làm ấm chi, đuổi hàn thấp, thư giãn mạch máu, xương khớp và mô mềm xung quanh. Đồng thời hỗ trợ giảm áp lực lên dây thần kinh, giảm căng cơ, cứng khớp, tăng tính linh hoạt và khả năng vận động cho bệnh nhân.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng chai thủy tinh chứa nước ấm, khăn ấm hoặc túi chườm ấm áp trực tiếp lên khu vực bị đau nhức
- Thư giãn trong 20 phút
- Thực hiện 4 lần/ ngày.
Tương tự như chườm ấm, tắm nước ấm cũng có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm đau nhức, tê bì, cứng khớp, tăng khả năng vận động và tính linh hoạt cho bệnh nhân. Bên cạnh đó tắm với nước ấm còn giúp người bệnh thư giãn tâm trạng, thư giãn cơ, hệ xương khớp và giúp dễ ngủ.
Vì thế khi bị đau nhức xương khớp, người bệnh nên tắm với nước ấm mỗi ngày 1 lần để cải thiện tình trạng.
3. Ngâm chân tay với nước sắc thảo dược
Ngâm chân tay với nước sắc thảo dược cũng là một trong những cách trị đau nhức xương khớp tại nhà được áp dụng phổ biến. Cách này có tác dụng trừ hàn thấp, đả thông kinh mạch, tác động tích cực lên các khớp và cơ bắp. Đồng thời giảm áp lực lên hệ mạch máu và các dây thần kinh. Từ đó tăng lưu thông máu, giảm cảm giác tê bì và đau nhức hiệu quả.
Ngoài ra thường xuyên ngâm chân với nước sắc thảo dược còn giúp người bệnh phòng ngừa và cải thiện tình trạng cứng khớp, thư giãn, giúp dễ ngủ, tăng độ dẻo dai và khả năng vận động cho người bệnh.
Hướng dẫn thực hiện:
- Sử dụng gừng, lá bạc hà hoặc lá lốt
- Rửa sạch thảo dược, cắt nhỏ hoặc đập dập
- Đun sôi thảo dược trong 10 phút
- Đợi nguội bớt và tiến hành ngâm các chi trong 15 phút
- Có thể kết hợp xoa bóp để tăng hiệu quả chữa trị
- Thực hiện mỗi ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
4. Xoa bóp
Xoa bóp là cách trị đau nhức xương khớp tại nhà hiệu quả, được nhiều người áp dụng. Lực tác động từ bàn tay có thể giúp người bệnh thư giãn các khớp xương và mô mềm bao quanh, giảm căng cơ và giảm lực đè nén lên các dây thần kinh. Từ đó ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và giảm cảm giác đau nhức hiệu quả.
Bên cạnh đó, biện pháp xoa bóp còn có tác dụng tăng lưu lượng máu về vị trí tổn thương, giảm tê bì, cải thiện sức khỏe xương khớp và tăng khả năng vận động cho người bệnh. Tuy nhiên bệnh nhân lưu ý xoa bóp với lực vừa phải, tăng dần lực tác động sau khi thích nghi. Điều này giúp phòng ngừa tình trạng đau đột ngột hoặc đau tăng sau xoa bóp.
Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên thoa dầu nóng hoặc tinh dầu thảo dược (tinh dầu gừng, tinh dầu bạc hà, dầu tràm trà…) trước khi xoa bóp. Thực hiện 1 – 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 – 20 phút.
5. Nghỉ ngơi
Nếu bị đau nhức nhiều, người bệnh nên dừng các hoạt động và dành thời gian nghỉ ngơi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghỉ ngơi và thư giãn có thể giúp cơn đau thuyên giảm mà không cần sử dụng thuốc. Ngoài ra biện pháp này còn giúp người bệnh cải thiện tâm trạng, giảm áp lực lên khớp xương tổn thương, mạch máu và các dây thần kinh liên quan.
Vì thế để thư giãn và cải thiện cảm giác đau nhức, người bệnh có thể nằm trên giường hoặc ngồi với tư thế thoải mái, giữ cho khu vực tổn thương không chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể. Sau khi cơn đau thuyên giảm, người bệnh nên đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu hoặc nằm bất động một chỗ để phòng ngừa tình trạng tê bì và cứng khớp.
6. Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quá trình điều trị đau nhức xương khớp. Bởi thành phần dinh dưỡng trong các thực phẩm có vai trò duy trì sức khỏe xương khớp, giảm đau, giảm viêm, ngăn thoái hóa khớp và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra việc tăng cường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng còn giúp người bệnh duy trì độ dẻo dai và sự chắc khỏe cho các cơ, cải thiện lưu thông máu. Điều này giúp tăng khả năng nâng đỡ cột sống, ổn định chức năng của hệ thống xương khớp. Đồng thời phòng ngừa các bệnh lý nghiêm trọng như thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, loãng xương, viêm xương khớp…
Hướng dẫn lập chế độ ăn uống lành mạnh:
+ Thực phẩm nên ăn
- Thực phẩm giàu vitamin D, C: Cá hồi, cá ngừ, sữa, lòng đỏ trứng, tôm, nấm, dầu gan cá tuyết, cam, bông cải xanh, kiwi, ớt chuông đỏ, cà chua, dâu tây, dưa lưới vàng, khoai tây…
- Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua, các loại hạt, phô mai, hạnh nhân, rau lá xanh, các loại đậu, cá mòi, cá hồi, động vật có vỏ…
- Thực phẩm chứa protein: Trứng, hạnh nhân, yến mạch, ức gà, phô mai, bông cải xanh, sữa…
- Thực phẩm giàu axit béo omega-3: Dầu gan cá tuyết, trứng cá muối, cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi, hàu, hạnh nhân…
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Cà chua, bông cải xanh, ớt chuông, dâu tây, việt quất, táo, cam, yến mạch, quả óc chó, hạnh nhân, trà, đậu đỏ…
+ Thực phẩm nên kiêng
- Thực phẩm rán, chiên xào nhiều dầu mỡ
- Thức ăn đóng hộp, chứa chất bảo quản
- Món ăn nhiều muối hoặc nhiều đường
- Thực phẩm cay nóng
- Thực phẩm chứa chất béo kém lành mạnh
7. Tập thể dục
Người bệnh được khuyên duy trì thói quen vận động và tập thể dục mỗi ngày khi bị đau nhức xương khớp. Biện pháp này có tác dụng duy trì khả năng vận động, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm căng cơ, đau nhức và phòng ngừa cứng khớp hiệu quả.
Ngoài ra vận động và tập thể dục mỗi ngày còn giúp người bệnh tăng độ dẻo dai và tính linh hoạt cho các khớp xương, ổn định sự liên kết giữa các khớp và mô mềm. Đồng thời giúp thư giãn, kích thích tuần hoàn máu, giảm tê bì, tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên để phòng ngừa đau tăng khi tập thể dục, người bệnh nên lựa chọn các bài tập thể dục hoặc bộ môn có cường độ thích hợp. Theo các chuyên gia, yoga, bơi lội, đi bộ, chạy bộ chậm, đạp xe, tập dưỡng sinh là những bộ môn thích hợp dành cho người bị đau nhức xương khớp.
Người bệnh nên vận động và luyện tập thể dục từ 30 – 45 phút mỗi ngày tùy theo mức độ nghiêm trọng của nguyên nhân. Không nên luyện tập gắng sức và nên nghỉ ngơi nếu cảm thấy đau nhiều.
8. Sử dụng thảo dược
Để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp, người bệnh có thể sử dụng một số loại thảo dược như ngải cứu, lá lốt… tác động lên khu vực đau nhức và tổn thương.
+ Dùng ngải cứu trị đau nhức xương khớp
Trong Y học cổ truyền, ngải cứu có tính ấm, có tác dụng trừ hàn thấp, chống viêm, giảm đau nhức xương khớp do chấn thương và bệnh lý. Ngoài ra loại thảo dược này còn có tác dụng tăng tuần hoàn máu, giảm đau nhức và tê bì tay chân ở người lớn tuổi, khí huyết kém lưu thông. Đồng thời giảm căng cơ, thư giãn khớp xương và cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân.
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa sạch 100 gram lá ngải cứu, để ráo
- Rang nóng lá ngải cứu với một nắm muối hạt
- Đựng nguyên liệu trong túi vải sạch và chườm lên vị trí bị tổn thương
- Rang nóng và chườm lại sau 30 phút
- Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần tùy theo mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
+ Trị đau nhức xương khớp bằng lá lốt
Lá lốt có mùi thơm nồng, tính ấm, có tác dụng giảm đau, trừ phong tán hàn, kích thích tuần hoàn máu và giảm tê bì tay chân. Bên cạnh đó các hoạt chất trong loại thảo dược này còn có tác dụng chống viêm, sát khuẩn, duy trì chức năng xương khớp và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa 200 gram lá lốt và để ráo
- Cho lá lốt vào cối và giã nhuyễn
- Rang nóng lá lốt với một nắm muối hạt cho đến khi ráo nước
- Đựng nguyên liệu trong túi vải sạch và chườm lên vị trí bị tổn thương trong 30 phút
- Rang nóng và chườm lại
- Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần. Kiên trì thực hiện trong 10 ngày sẽ nhận thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể.
+ Uống giấm táo chữa đau nhức xương khớp
Nhờ đặc tính kiềm hóa và chống viêm, giấm táo có tác dụng giảm viêm, sưng, cứng khớp và giảm đau nhức hiệu quả. Hơn thế, giấm táo có khả năng loại bỏ lượng chất độc tích tụ ở các khớp và mô liên kết. Từ đó giúp ổn định cấu trúc, duy trì chức năng hệ xương khớp, giảm đau khớp do viêm và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
Ngoài ra trong thành phần của giấm táo chứa nhiều khoáng chất như canxi, photpho, kali, magie. Những khoáng chất này có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương, ổn định độ bền và tính linh hoạt của xương khớp. Đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn 1 muỗng cà phê giấm táo tươi (chưa lọc) với một muỗng cà phê mật ong nguyên chất
- Thêm 200 – 300ml nước ấm, khuấy đều
- Uống khi còn ấm nóng
- Uống từ 2 – 3 lần mỗi ngày trước khi ăn.
9. Duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt
Duy trì tư thế tĩnh (ngồi lâu, đứng lâu, nằm bất động…) và hoạt động sai tư thế là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp thường gặp. Đau do nguyên nhân này thường kèm theo tình trạng tê bì, ngứa ran do khí huyết kém lưu thông, hạn chế phạm vi chuyển động, cứng khớp… Đồng thời tạo áp lực lên các khớp xương và gây căng cơ.
Để cải thiện đau nhức xương khớp và các biểu hiện đi kèm, người bệnh cần thường xuyên đi lại; ngủ, ngồi, đi đứng và làm việc đúng tư thế. Cụ thể:
+ Tư thế ngồi
- Ngồi thẳng trên ghế có lưng tựa. Chân duỗi thẳng, không bắp chéo. Độ cao của ghế phù hợp với độ cao của bàn làm việc và màn hình máy tính.
- Thường xuyên thay đổi tư thế, đứng dậy, đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng
+ Tư thế ngủ
- Nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ. Không nên nằm sấp
- Có thể đặt gối giữa thân người và giữa hai đầu gối khi ngủ nghiêng. Điều này giúp duy trì độ cong tự nhiên của cột sống và giảm áp lực lên các khớp xương
- Thường xuyên thay đổi tư thế trong suốt thời gian ngủ. Tránh việc duy trì chỉ 1 đến 2 tư thế
- Lựa chọn gối kê đầu có độ cao và độ mềm thích hợp
- Đảm bảo độ đàn hồi của nệm
- Đảm bảo ngủ đủ từ 7 – 8 giờ đồng hồ mỗi đêm để duy trì chức năng và sức khỏe xương khớp.
10. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu cơn đau không có biểu hiện thuyên giảm hoặc âm ỉ kéo dài sau 5 ngày áp dụng các biện pháp giảm đau nêu trên, người bệnh có thể sử dụng thuốc không kê đơn để cải thiện tình trạng. Việc dùng thuốc sẽ giúp người bệnh chống viêm, giảm đau và cải thiện khả năng vận động.
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Để cải thiện cơn đau người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau dạng thuốc xịt, kem bôi, gel, miếng dán. Cách dùng: Dán hoặc thoa đều thuốc lên khu vực đau nhức, sau đó dùng lực từ bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp sẽ nhận thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể.
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau không kê đơn được dùng phổ biến cho những cơn đau cấp, đau có mức độ từ nhẹ đến vừa. Thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Việc dùng thuốc có thể giúp cơn đau thuyên giảm đáng kể. Liều dùng khuyến cáo: Uống 1 viên Paracetamol 500mg/ lần, lặp lại sau 4 – 6 giờ hoặc khi bị đau.
- Ibuprofen: Ibuprofen là thuốc giảm đau chống viêm không steroid. Thuốc này có tác dụng chống viêm và giảm đau ở mức độ trung bình. Ibuprofen thường được sử dụng khi đau nhức âm ỉ kéo dài và không có đáp ứng với Paracetamol. Người bệnh dùng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc dược sĩ.
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn là biện pháp giảm đau tạm thời, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Trong trường hợp không có đáp ứng với thuốc hoặc đau nhức kéo dài trên 3 ngày sau dùng thuốc, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, tìm kiếm nguyên nhân gây đau. Đồng thời áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu theo sự hướng dẫn của bác sĩ.